UBND huyện U Minh trả lời đơn giải trình của ông Trần Văn Cảnh, thường trú tại ấp 18, xã Nguyễn Phích
Việc tổ chức sản xuất theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao nhằm nâng cao thu nhập của hộ dân và góp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc nuôi tôm công nghệ cao (trong đó, có nuôi tôm thâm canh siêu thâm canh) phải đảm bảo các điều kiện nuôi được quy định tại Quyết định số 1874/QĐ-UBND, ngày 10/11/2017 của UBND tỉnh Cà Mau, như địa điểm nuôi, hạ tầng điện, giao thông, thuỷ lợi, kỹ thuật….Nhưng hiện nay trên địa bàn huyện U Minh không được tỉnh quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Bên cạnh đó, theo Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện U Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện U Minh vẫn không quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.
Mặt khác, việc nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tự phát (ngoài quy hoạch) luôn tiềm ẩn rủi ro khá lớn, vì hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đảm bảo, kỹ thuật công nghệ nuôi chưa được chuyển giao phù hợp,…từ đó mức độ thành công của mô hình này là không cao, sẽ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế cho người nuôi, đồng thời khả năng gián tiếp làm lây truyền mầm bệnh ra khu vực nuôi lân cận là khá lớn (khi tôm bị bệnh).
Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân huyện không thống nhất nội dung yêu cầu xin thực hiện nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao như đơn giải trình của ông Trần Văn Cảnh. Đồng thời khuyến khích hộ ông Trần Văn Cảnh nói riêng và các hộ dân trên địa bàn huyện U Minh (trong quy hoạch) nói chung tổ chức sản xuất nuôi tôm theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến hoặc nuôi các đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao khác đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của huyện./.