Hàng nghìn người! Chưa bao giờ kể từ ngày giải phóng đến nay, huyện hẻo lánh U Minh, Cà Mau đón lượng khách tham quan du lịch đông như vậy! Nhìn con số tổng kết cuối năm, lãnh đạo huyện mừng rơn: “Thế là chương trình phát triển du lịch của huyện ban đầu đã gặt hái được kết quả khả quan”.
Các huyện khác của tỉnh Cà Mau làm du lịch đã lâu, nhưng U Minh chưa thấy nhúc nhích gì. Trong một lần chuyện phiếm với các vị lãnh đạo huyện, chúng tôi hỏi du lịch của huyện sao “bết” quá, thì ra chúng tôi hớ! U Minh đang vặn mình làm một bước đột phá trong ngành Du lịch. Nhằm từng bước hình thành, phát triển du lịch thành một trong những ngành có giá trị lớn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế huyện nhà, U Minh đã xây dựng một chương trình phát triển du lịch nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Để nắm rõ hơn về chương trình phát triển du lịch của vùng đất cực Nam này, chúng tôi về lại U Minh trong cái se lạnh của gió chướng xứ rừng. Cái lành lạnh đã làm cho không gian nơi đây như đứng lặng. Khói lam lượn lờ vắt quanh vòm bếp. Tôi nao nao hít cái hương đầm đầm cỏ mục của rừng tràm, nghe hình như đâu đây có tiếng cội nguồn.
Nhắc đến U Minh, người ta thường nghĩ đó là vùng đất hoang sơ chỉ có cá sấu dưới sông, trên rừng có cọp. Vâng, đó là U Minh của mấy chục năm về trước. U Minh nay đã có những bước phát triển vững chắc về kinh tế - xã hội. Dù có phát triển, có thay đổi nhưng U Minh vẫn giữ lại cho mình những đặc điểm rất riêng mà những nơi khác không có được.
Nơi đây, trước kia là căn cứ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến, là vùng căn cứ của Xứ ủy Nam Kỳ, Trung ương Cục, Quân giới Miền Tây Nam bộ và cũng là nơi đã từng che chở, bao bọc cho những chiến sỹ cách mạng sống và làm việc, chiến đấu. U Minh đang có trong tay những lợi thế du lịch rất lý tưởng, chiều dài bờ biển 31km với hai cửa biển lớn, cửa biển Khánh Hội và Hương Mai mà điều kiện phát triển ở hai nơi này rất thích hợp cho du lịch biển.
Rồi đây, ở cửa biển Khánh Hội mọc lên làng cá Khánh Hội với quy mô rộng hàng trăm hecta. Nói đến U Minh, không đề cập đến rừng tràm là một thiếu sót rất lớn. Diện tích rừng tràm U Minh chiếm khoảng 45% diện tích tự nhiên của huyện, rừng tràm có sản phẩm cây tràm truyền thống và các động, thực vật phong phú dưới tán rừng, có thể phát triển du lịch sinh thái mang đặc thù của vùng U Minh Hạ.