MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Du lịch sinh thái rừng tràm huyện U Minh có tiềm năng phát triển trong tương lai - Ảnh: Lê Hữu Lợi
Huyện U Minh có mức tăng trưởng kinh tế ổn định (hơn 10,5%/năm); cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có bước phát triển, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm đúng mức, nhất là chính sách đối với người có công và đồng bào dân tộc; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh luôn được củng cố và giữ vững…
Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng trong những năm gần đây có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện qua các số liệu như sau:
- Về điện: Ngoài việc xây dựng đường dây truyền tải điện công suất lớn của 02 nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2, hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn huyện trong những năm qua không ngừng được đầu tư phát triển, 100% ấp, khóm đều được sử dụng điện lưới quốc gia.
- Về đường: Huyện đã xây dựng hoàn thành 323,939 km lộ giao thông nông thôn. Trong đó mặt đường láng nhựa 95,13 km, mặt đường bê tông cốt thép là 228,789 km, toàn huyện hiện có 254 cầu vĩnh cửu và bán vĩnh cửu (trong đó có 156 cây cầu thuộc đề án 1.588 cầu GTNT), 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, đáp ứng được nhu cầu đi lại và giao lưu kinh tế - văn hóa của nhân dân.
- Về trường học: Huyện có 45 cơ sở giáo dục với 111 điểm trường, trong đó có 658 phòng học được xây dựng cơ bản và bán cơ bản (đã xóa hết các trường học bằng cây lá tạm bợ), đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn.
- Về y tế: Hệ thống cơ sở y tế từ huyện đến xã, thị trấn không ngừng được cải thiện về cơ sở vật chất và chất lượng khám, điều trị bệnh không ngừng được nâng lên. Huyện hiện có 01 Trung tâm y tế, 08 trạm y tế và phòng khám đa khoa cấp xã. Trong đó, Trung tâm y tế huyện được đầu tư xây dựng cơ bản với quy mô trên 100 giường bệnh, 8/8 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- Về thủy lợi: Toàn huyện có 7 tuyến sông, kênh trục chính, trên 250 tuyến kênh cấp I, cấp II, cấp III và kênh nội đồng. Hệ thống đê bao rừng tràm, đê sông và kênh trục đã được đầu tư nạo vét, bồi trúc phục vụ cho các nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, phòng chống cháy rừng, tiêu úng, xổ phèn; đồng thời đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đi lại bằng đường thủy của nhân dân.
- Về xây dựng nông thôn mới: Đến nay, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 13,86 tiêu chí, đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Khánh An và Khánh Hòa. Huyện đang tập trung chỉ đạo phấn đấu cuối năm 2017 xã Khánh Tiến đạt chuẩn nông thôn mới.
Một số mục tiêu, giải pháp và định hướng đến những năm tiếp theo:
- Tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện; phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ tốt ngoại lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - ngư - lâm nghiệp.
- Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ cho từng tiểu vùng. Thực hiện có hiệu quả đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm, lúa. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
- Khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, ven biển. Củng cố đội tàu đánh bắt xa bờ, hạn chế tối đa đánh bắt sát hại nguồn lợi thủy sản và vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân. Đầu tư, phát triển làng cá Khánh Hội, Hương Mai; tranh thủ với tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng bến cá kết hợp với khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền cửa biển Khánh Hội và các khu dân cư ven biển.
- Khôi phục và phát triển diện tích nuôi cá đồng, cá hồ ao và các loài thủy sản khác theo hướng hiệu quả, bền vững. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện nhanh đề án sắp xếp dân cư, bố trí sản xuất khu vực rừng tràm. Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao thay cho cây tràm ở những nơi có điều kiện, theo quy hoạch.
- Triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trong huyện, phấn đấu đến năm 2017 xã Khánh Tiến đạt tiêu chí xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các chương trình lồng ghép và huy động nguồn lực xã hội, phát huy tốt ý thức tự lực tự cường của Đảng bộ và nhân dân để xây dựng xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
- Tiếp tục chủ động khai thác tốt lợi thế từ cụm công nghiệp khí - điện - đạm và khu công nghiệp Khánh An để phát triển các loại hình công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phục vụ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
- Quy hoạch những vị trí có lợi thế tốt để xây dựng các khu thương mại, dịch vụ của huyện. Chú trọng phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị tăng cao, nhằm thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ khác. Phát triển mạnh mô hình du lịch sinh thái, có chính sách thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm phục vụ du lịch.
- Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện tốt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2020, trên cơ sở đó triển khai đồng bộ các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch các xã, thị trấn, gắn với tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch trên địa bàn.
- Phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học. Giữ vững kết quả về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; từng bước phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến đạt 100% trường được công nhận đạt chuẩn./.