Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
Câu hỏi 1: Mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đối với trường hợp không sử dụng tàu cá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được pháp luật quy định như thế nào?
Đáp: Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, quy định như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đối với trường hợp không sử dụng tàu cá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Hình thức phạt bổ sung theo khoản 5 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định: Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm;
Biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 6 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định: Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm.
Câu hỏi 2: Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản?
Đáp: Theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản;
Hình thức phạt bổ sung theo khoản 5 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định: Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm.
Câu hỏi 3: Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản?
Đáp: Theo khoản 3 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét;
b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.
Hình thức phạt bổ sung theo khoản 5 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định:
a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP;
b) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP;
Biện pháp khắc phục hậu quả khoản 6 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định;
Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.
Câu hỏi 4: Mức phạt đối với hành vi sử dụng dòng điện trực tiếp từ điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được pháp luật quy định như thế nào?
Đáp: Theo khoản 4 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy địnhPhạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện trực tiếp từ điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
Hình thức phạt bổ sung theo khoản 5 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định:
- Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm;
- Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm;
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm.
Câu hỏi 5: Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi tàng trữ chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố trên tàu cá?
Đáp: Theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền đối với hành vi tàng trữ chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố trên tàu cá theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 15 mét;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên;
Hình thức phạt bổ sung theo khoản 4 Điều 29 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định: Tịch thu chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố đối với hành vi vi phạm;
Biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 5 Điều 29 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định: Buộc tiêu hủy chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố, hóa chất khác và thủy sản khai thác đối với hành vi vi phạm.
Câu hỏi 6: Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi tàng trữ chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố trên tàu cá trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần?
Đáp: Theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền đối với hành vi tàng trữ chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố trên tàu cá trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần theo các mức phạt sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 15 mét;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên;
Hình thức phạt bổ sung theo khoản 4 Điều 29 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định: Tịch thu chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố đối với hành vi vi phạm;
Biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 5 Điều 29 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định: Buộc tiêu hủy chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố, hóa chất khác và thủy sản khai thác đối với hành vi vi phạm.
Câu hỏi 7: Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, thực vật có độc tố, hóa chất khác để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự?
Đáp: Theo khoản 3 Điều 29 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, thực vật có độc tố, hóa chất khác để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hình thức phạt bổ sung, theo khoản 4, Điều 29, Nghị định 38/2024/NĐ-CP, quy định:
- Tịch thu chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố đối với hành vi vi phạm;
- Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm;
Biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 5 Điều 29 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định: Buộc tiêu hủy chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, thực vật có độc tố, hóa chất khác và thủy sản khai thác đối với hành vi vi phạm.
Câu 8: Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Đáp: Theo điểm a khoản 1 Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Câu 9: Người sử dụng dòng điện để khai thác thủy sản làm chết người sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Đáp: Theo điểm b khoản 2 Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
Người sử dụng dòng điện để khai thác thủy sản làm chết người thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm Và theo điểm b khoản 3 Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm./.