Tuyến đê biển Tây đi qua 2 xã Khánh Hội và Khánh Tiến có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch
Năm 2023, ngành du lịch huyện U Minh tiếp tục đón nhận tín hiệu tích cực khi huyện đón tiếp hơn 80 ngàn lượt khách đến tham quan. Đây là năm thứ 2 liên tiếp lượng khách đến với U Minh tăng trưởng sau khi mở cửa trở lại đón khách sau đại dịch Covid-19. Riêng trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, có hơn 24.000 lượt du khách đến với huyện U Minh, tăng 30% so với cùng kỳ.
Ông Lê Hữu Lợi, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện U Minh, cho biết: "Khách đến với U Minh tăng là do thời gian qua các điểm du lịch trên địa bàn huyện có sự đầu tư, nâng cấp, có những sản phẩm mới để thu hút khách tham quan. Bên cạnh đó là hàng loạt sự kiện như sự kiện Hương rừng U Minh, rồi các sự kiện lớn của tỉnh như Lễ hội cua, Fesstival Tôm đã thu hút du khách đến với Cà Mau và sau đó cũng có nhiều du khách lựa chọn đến với U Minh".
Huyện U Minh có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và cũng là loại hình du lịch được huyện U Minh quan tâm phát triển trong những năm gần đây. Hoạt động này đã và đang thu hút, tạo cảm giác mới lạ, hấp dẫn cho du khách mỗi khi đặt chân đến với vùng đất U Minh.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: "Huyện khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư cơ sở vật chất để phát triển du lịch. Đồng thời, tiến hành triển khai các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều du khách ở xa đến và rất thích thú với hoạt động xuyên rừng, trải nghiệm nét đẹp hoang sơ của rừng tràm mà ít nơi nào có được. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn ngon đặc trưng của xứ rừng".
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, điện, nước, mạng lưới thông tin liên lạc trên địa bàn toàn huyện nói chung và đặc biệt là tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ mang lại dáng vẻ mới cho nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch dễ dàng tiếp cận các điểm đến, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các điểm tham quan. Đặc biệt, huyện có định hướng phát triển kết hợp tuyến du lịch giữa rừng và biển nhằm khơi dậy tiềm năng của 2 xã ven biển Khánh Hội và Khánh Tiến – nơi có tuyến đê biển Tây đi qua.
"Để triển khai đồng bộ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, huyện quan tâm đầu tư tuyến du lịch giữa rừng và biển. Hiện nay, huyện đang kêu gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng, nhà hàng tại 2 xã Khánh Hội và Khánh Tiến. Đồng thời tận dụng tuyến đê biển để Tây tạo ra sản phẩm du lịch như cho du khách như: trải nghiệm bằng xe đạp, tham quan rừng ngập mặn; hoạt động đánh bắt, chế biến thủy sản" – Ông Nguyễn Thanh Liêm cho hay.
Với những kế hoạch trong phát triển du lịch, hy vọng rằng, ngành du lịch huyện U Minh sẽ tiếp tục có những bước tiến vững chắc, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đóng góp sự phát triển kinh tế của huyện trong những năm tiếp theo.