Trước đây, đốt pháo nổ vào các dịp Tết Nguyên đán vốn là một trong những hoạt động quen thuộc của nhiều người dân. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra các vụ việc gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cướp đi sinh mạng của người sử dụng. Vì khi nổ các thành phần của pháo có nhiều chất độc hóa học với sức công phá lớn, tỏa nhiệt gây bỏng, sinh ra khí độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, đối với những trường hợp tự chế tạo pháo, người chơi thường phải tiếp xúc gần với các loại thuốc nổ, nên khi nổ rất dễ bị tổn thương nặng như: đứt ngón tay, mù mắt, điếc, bỏng, thậm chí giập nát và gãy xương…, bên cạnh đó, việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo phải trả số tiền lớn gây thiệt hại về kinh tế và khả năng cháy, nổ rất cao.
Sắp đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhu cầu mua bán, sử dụng pháo của người dân tăng cao, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, đời sống xã hội, gây mất ANTT. Để người dân vui xuân, đón tết an toàn, lành mạnh Công an huyện U Minh khuyến cáo người dân một số nội dung liên quan đến hoạt động về pháo như sau:
1. Không được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo; trừ trường hợp, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được cấp phép theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo.
2. Khi mua pháo hoa phải mua tại các điểm bán được nhà nước cấp phép (hiện tại chỉ có Công ty TNHH MTV Hóa chất Z21 (thuộc Bộ Quốc phòng) được phép kinh doanh pháo hoa), sau khi mua nộp lại hoá đơn, chứng từ mua cho công an nơi cư trú và dự định sử dụng để quản lý. Chỉ người mua có tên trong hoá đơn và gia đình được sử dụng, nghiêm cấm mua và bán lại, cho tặng.
3. Những hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng pháo có thể bị xử lý hành chính, hình sự cụ thể: Xử phạt hành chính: Theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì:
- Hành vi che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Theo Điều 8, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì:
- Hành vi buôn bán pháo nổ trái phép sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
- Hành vi sản xuất pháo nổ trái phép sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi buôn bán, tức bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự: - Theo quy định tại Điều 190 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” quy định: “Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ:
+ Từ 06kg đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
+ Từ 40kg đến dưới 120kg thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
+ Từ 120kg trở lên thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm.
- Theo quy định tại Điều 191 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” quy định: “Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ:
+ Từ 06kg đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
+ Từ 40kg đến dưới 120kg thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
+ Từ 120kg trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
- Đối với các hành vi sử dụng pháo trái phép (đốt pháo), tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể: sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
4. Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sử dụng, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại pháo trái phép.
5. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo phải kịp thời thông tin, trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc vi phạm.
6. Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo trái phép là góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng Xuân, đón mừng Năm Mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.