Chủ động phòng ngừa, xử lý hành vi phạm pháp luật trên mạng xã hội
Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác . Theo cách hiểu đơn giản, mạng xã hội giúp mọi người trên thế giới kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin, hình ảnh, âm thanh… mà không bị giới hạn bởi điều kiện địa lý. Ở nước ta, các mạng xã hội phổ biến hiện nay bao gồm: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok, Instagram. Mạng xã hội đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau nói chung và huyện U Minh nói riêng, tuy nhiên kéo theo đó, những tác động tiêu cực của mạng xã hội cũng ngày càng rõ nét. Ở nước ta, đã ghi nhận nhiều tác động tiêu cực khác nhau của mạng xã hội, riêng trên địa bàn huyện U Minh ghi nhận 02 nhóm hành vi phổ biến tác động tiêu cực đến đời sống người dân.
Thứ nhất, nhóm hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín là một trong những quyền cơ bản của con người, được quy định đầy đủ, cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Cung cấp, chia sẻ thông tin xúc phạm người khác trên mạng xã hội được hiểu là hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ các thông tin, hình ảnh có nội dung xúc phạm người khác hoặc sử dụng mạng xã hội để gọi video, đàm thoại, nhắn tin xúc phạm người khác. Đối với nhóm hành vi này, từ năm 2021 đến nay, Công an huyện U Minh đã tiếp nhận, xử lý 23 vụ việc. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, Công an huyện U Minh đã xử phạt 11 cá nhân với tổng số tiền là 55 triệu đồng, giáo dục, nhắc nhở và cho cam kết không tái phạm 12 cá nhân.
Thứ hai, nhóm hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”. Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể . Theo đó, có thể hiểu thông tin cá nhân gồm một số thông tin như: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số CMND/CCCD/Hộ chiếu. Việc bảo vệ, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên mạng được quy định chặt chẽ, cụ thể tại 05 Điều, từ Điều 16 đến Điều 20 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về quyền hình ảnh cá nhân, việc sử dụng hình ảnh cá nhân, cụ thể theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của cá nhân khác trên mạng xã hội được hiểu là việc thu thập thông tin về họ tên, năm sinh, địa chỉ, hình ảnh… của người khác và đăng, chia sẻ lên mạng xã hội với nhiều mục đích, lý do khác nhau mà không được người đó đồng ý hoặc trái với quy định pháp luật. Từ năm 2021 đến nay, Công an huyện U Minh đã tiếp nhận, xử lý 07 vụ việc vi phạm về thu thập, sử dụng thông tin của người khác và đã ra Quyết định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính 05 cá nhân, với tổng số tiền 25 triệu đồng, giáo dục, nhắc nhở và cho cam kết không tái phạm 02 cá nhân.
Các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử , còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) và bị buộc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Trước tình trạng phức tạp liên quan mạng xã hội xảy ra trên địa bàn thời gian qua, Công an huyện U Minh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý, cụ thể:
Một là, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương về đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới. Trong năm 2023, Công an huyện U Minh ban hành gần 10 Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu, độc trên mạng; đảm bảo an toàn, an ninh mạng, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao,...
Hai là, tham mưu Huyện ủy, UBND huyện U Minh quán triệt cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương trong sử dụng mạng xã hội, xây dựng môi trường mạng xã hội trong sạch, văn minh, tiến bộ. Đặc biệt là thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian qua, trên địa bàn huyện U Minh chưa phát hiện trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Ba là, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, trọng tâm là Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội… Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Công an huyện U Minh đã viết trên 15 tin, bài tuyên truyền về đảm bảo an ninh mạng, phòng, chống tội phạm trên mạng, bảo mật thông tin cá nhân, khuyến cáo sử dụng mạng xã hội đúng quy định pháp luật, cảnh giác với các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng... Bên cạnh đó, Công an huyện U Minh còn xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả 01 mô hình dân vận khéo “Phòng ngừa hoạt động đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội”.
Bốn là, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ, phát huy những mặt tích cực và hạn chế các tiêu cực do mạng xã hội mang lại.
Mạng xã hội có thể làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể hủy hoại nếu như chúng ta sử dụng không đúng cách. Mọi người hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội đúng quy định, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội, sáng suốt kiểm chứng tính xác thực của những thông tin mà mình quan tâm, thận trọng khi đăng tải thông tin, đừng vì sự thiếu hiểu biết, bốc đồng mà chia sẻ hoặc bình luận những nội dung sai trái. Hơn ai hết, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần có ý thức xây dựng môi trường mạng trong sạch, lành mạnh, tiến bộ, có như vậy mạng xã hội mới dần loại bỏ các mặt tiêu cực và trở thành công cụ đắc lực để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với mọi người./.